Nên dùng ảnh PNG hay JPG cho việc thiết kế website?
Hầu hết trong số chúng ta, khi thiết kế website, thường dùng lẫn lộn các hình ảnh có định dạng như PNG hoặc JPG. tuy nhiên mỗi loại định dạng ảnh thường có những lợi ích và có ảnh hưởng khác nhau đến dung lượng, chất lượng ảnh và tốc độ load trang trên web. Vậy việc sử dụng ảnh PNG hay JPG tốt hơn khi thiết kế Website.
Ảnh JPG.
Chiều rộng bức ảnh này khoảng 1.000 điểm ảnh, màu sắc rực rỡ với nhiều chi tiết khác nhau. Theo MakeUseOf, JPG (hay JPEG, viết tắt của Joint Photographic Experts Group) là định dạng chuẩn cho các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, những người thích chia sẻ tác phẩm trên internet. Họ rất thích JPG vì nó có thể nén các chi tiết, dữ liệu thừa, không cần thiết trong các bức ảnh độ nét cao. Vậy nên dù có kích thước nhẹ nhưng chất lượng ảnh JPG không bị suy giảm quá nhiều, có điều đã nén với JPG thì không thể khôi phục về trạng thái gốc nữa.
Tuy nhiên, do phương pháp chia ảnh thành nhiều khu vực nhỏ nên JPG gặp một số vấn đề tại các khu vực có độ tương phản cao. Điều này dễ dàng nhận thấy khi làm việc với biểu tượng, văn bản và những thứ tương tự. Nếu zoom bức ảnh lên, ngay cả với những bức ảnh độ nét cao, bạn sẽ thấy một vệt đen xuất hiện dọc theo các cạnh thẳng tại các khu vực tương phản.
Hình ảnh file JPG
Sau nhiều lần lưu lại file, chất lượng ảnh khi phóng to còn bị giảm nặng nề hơn. Trong trường hợp này, đường lưới màu sắc nằm giữa các cạnh xuất hiện rõ hơn, khu vực xung quanh vùng tương phản cũng bị méo.
Vệt đen tạo tương phản trên fie JPG
Sự khác biệt với PNG
Hãy nhìn qua bức ảnh khác cũng có chất lượng cao nhưng lưu dưới dạng PNG. Ảnh chụp một công viên mùa đông với màu sắc đen trắng tương phản rất lớn. Do dùng phương pháp nén mới nên khi phóng to ảnh PNG, bạn sẽ thấy sự khác biệt so với JPG đó là các cạnh tương phản không còn xuất hiện vạch đen.
PNG (viết tắt của Portable Network Graphics), ban đầu được tạo ra nhằm thay thế định dạng GIF. PNG sử dụng thuật toán nén mới không làm mất dữ liệu gốc. Khi lưu lại một file PNG nhiều lần, chất lượng của nó cũng không bị suy giảm.
Một điểm cộng khác của PNG là hỗ trợ màu trong suốt. Điều này cho phép bạn lưu một biểu tượng, chữ cái nào đó với nền trong suốt và có thể đặt nó lên bất kỳ đâu mà không sợ viền trắng xấu xí xuất hiện. Dưới đây là biểu tượng tái chế trên nền xanh dương, bên trái là ảnh JPG không có nền trong suốt còn bên phải là PNG với nền trong suốt. Cần lưu ý dung lượng ảnh PNG khá lớn.
Không xuất hiện vệt đen
Vậy bạn nên chọn PNG hay JPG? Nếu thường chụp ảnh, tải ảnh lên mạng, hãy lưu nó với JPG nhưng chỉ lưu một lần duy nhất, hạn chế chỉnh sửa hay lưu lại nhiều lần nếu không muốn chất lượng giảm thêm.
Còn nếu là dân đồ họa, biểu tượng sản phẩm cần chất lượng sắc nét (như ảnh bìa, typography,…) thì hãy dùng PNG. Do hỗ trợ nền trong suốt nên PNG rất thích hợp để thiết kế website khi cần chèn logo, hình ảnh. Cũng cần lưu ý dung lượng file PNG thường lớn hơn JPG.